NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ VỆ SINH RĂNG MIỆNG LIÊN QUAN ĐẾN KẾ HOẠCH ĐIỀU TRỊ CHỈNH HÌNH RĂNG MẶT

 

chinh-nha-hien-dai-nieng-ranng-implantI- Ảnh hưởng của vệ sinh răng miệng đến kết quả điều trị CHRM
Vệ sinh răng miệng ( VSRM ) kém trong quá trình điều trị CHRM sẽ dễ dàng dẫn đến bệnh sâu răng và nha chu trầm trọng, ảnh hưởng đến răng và mô nâng đỡ (dây chằng nha chu, xương ổ) là những đối tượng của CHRM. Đặc biệt là bệnh lý nha chu tiến triển cộng thêm lực chỉnh hình sẽ dẫn đến tiêu xương trầm trọng không thể hồi phục, là nguyên nhân thất bại trong điều trị CHRM.
Chính vì vậy phải cải thiện tình trạng VSRM của bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị CHRM.
Nếu VSRM không được tốt trong suốt quá trình CHRM thì sau khi kết thúc điều trị sẽ quan sát thấy được những sang thương sâu răng mặt láng, từ mức độ nhẹ là những đốm trắng đục, đến những mức độ nặng hơn.


Sang thương sâu răng mặt láng sau điều trị CHRM thường gặp nhất ở răng cửa bên và răng nanh hàm trên, cũng như răng cối nhỏ hàm dưới (hình). Tuy nhiên, những vị trí khác vẫn có thể bị sâu răng.
Giải pháp để VSRM không trở thành nguyên nhân gây thất bại cho điều trị CHRM là:
-Trước điều trị CHRM:
+ Giáo dục VSRM, đánh giá kết quả.
Tiếp tục giáo dục VSRM và đánh giá kết quả cho đến khi tình trạng VSRM đạt yêu cầu.
+ Điều trị sâu răng: trám răng, nội nha.
Đối với những phục hồi cần tái tạo thật chính xác hình dạng giải phẫu mặt nhai thì nên để đến khi kết thúc CHRM mới hoàn thiện chi tiết, vì khớp cắn sẽ thay đổi trong quá trình chỉnh hình.
Nếu xoang sâu đến tủy thì phải điều trị nội nha trước khi CHRM. Răng đã nội nha vẫn di chuyển được dưới lực chỉnh hình vừa phải.
+ Điều trị bệnh nha chu: cạo vôi, XLMGR.
Nếu cần có thể tiến hành phẫu thuật lật vạt để điều trị nha chu triệt để. Ngoài ra, súc miệng Clorhexidine cũng có thể được chỉ định để hỗ trợ kiểm soát nhiễm khuẩn trong điều trị nha chu.
Không có chống chỉ định CHRM cho bệnh nhân mắc bệnh nha chu, miễn là phải luôn kiểm soát tốt tình trạng nha chu trước và trong suốt quá trình chỉnh hình.
Có những trường hợp bệnh nhân bị tiêu xương nhiều do bệnh nha chu nhưng được kiểm soát tốt thì sau khi chỉnh hình sắp đều răng và đóng khoảng thì có sự tạo xương ổ trở lại một phần. Tuy nhiên, điều này không tiên lượng trước được nên không hứa hẹn với bệnh nhân.
Thường thì thẩm mỹ là nguyên nhân chính đưa bệnh nhân đến CHRM, nhưng cũng có khi chính là vấn đề nha chu, khó VSRM chính là nguyên nhân bệnh nhân muốn CHRM, đặc biệt là đối với người lớn (trẻ em ít có vấn đề về nha chu hơn).
-Trong điều trị CHRM:
+ Mỗi lần hẹn: đánh giá và nhắc lại về VSRM và chế độ ăn.
Ngay cả khi bệnh nhân đang làm tốt thì vẫn nên nhắc lại, để khuyến khích bệnh nhân duy trì và cải thiện VSRM hơn nữa.
Thường thì viêm nướu sẽ tăng sau khi gắn mắc cài, vì khó VSRM, nhưng không bao giờ tiến triển thành bệnh nha chu nếu biết giữ VSRM đúng cách và chế độ ăn thích hợp.
+Nếu cần: điều trị SR, NC + hẹn tái khám gần hơn để theo dõi.
Có trường hợp phải tháo mắc cài để điều trị bệnh nha chu trước khi tiếp tục điều trị CHRM, vì VSRM quá kém sau khi gắn mắc cài, dẫn đến bệnh lý nha chu .


II- Một số lưu ý khi lựa chọn khí cụ CHRM
-Tuổi càng lớn VSRM càng tốt hơn.Ở giai đoạn 10-12 tuổi, trẻ hay tưởng tượng và thích chứng tỏ bản thân nên thường xem thường VSRM. Khi trẻ lớn hơn (sau khi răng 7 mọc) thì trẻ điềm đạm lại và ý thức tốt hơn về giữ gìn sức khỏe và VSRM.
-Khí cụ cố định khó giữ vệ sinh hơn là khí cụ tháo lắp, nhất là ở mặt trong của răng.
-Dũa kẽ làm tăng diện tích tiếp xúc mặt bên giữa các răng, do đó làm tăng nguy cơ SR. Vì vậy hạn chế chỉ định nếu VSRM không tốt.
-Móc càng dài càng khó vệ sinh, dễ gây kích thích nướu và tăng nguy cơ sâu răng.
-Một số khí cụ cố định gây nhiều khó khăn trong VSRM: lò xo, khí cụ chống mút tay, bộ giữ khoảng đế giày,…
- VSRM kém: chống chỉ định implant.

III-Các biện pháp hỗ trợ VSRM trong CHRM
-Bàn chải
Bàn chải có rãnh (V-shape), lông mềm (soft) để dễ len lỏi và không làm tổn thương nướu.
Bàn chải điện cũng có thể sử dụng, đặt ở chế độ moderate.
-  Chỉ nha khoa: ít nhất 1 lần/ngày.
- Chế độ ăn
Phải kiểm soát chế độ ăn sao cho ít gây SR, đồng thời ít chấn động đến dây và mắc cài (tránh: đường, thức ăn cứng, dẻo dính, nhai nước đá, …)
-Tăm nước: Waterpik.
-Fluoride: Có thể chỉ định để hỗ trợ tái khoáng hóa và phòng ngừa sâu răng. Các sản phẩm thường dùng:
o   Kem đánh răng có fluor
o   Nước súc miệng có F: 0.05% sodium fluoride súc mỗi ngày hoặc 0.2% sodium fluoride súc mỗi tuần.
- Sáp/ silicone giảm chấn thương niêm mạc
Bề mặt mắc cài thường dễ gây chấn thương cho niêm mạc môi, và sự tiếp xúc trực tiếp liên tục giữa niêm mạc bị loét do chấn thương với mắc cài sẽ gây đau và lâu lành thương. Sáp hoặc silicone ép trực tiếp lên bề mặt mắc cài sẽ tạo nên một bề mặt trơn láng tiếp xúc với niêm mạc, giúp giảm đau và mau lành thương.
- Thuốc nhuộm màu mảng bám: giúp bệnh nhân phát hiện ra những vùng VSRM chưa tốt, từ đó có biện pháp cải thiện.
- Khám kiểm tra định kỳ.

Tài liệu tham khảo
1- William R. Proffit, Contemporary Orthodontics, Fourth edition, 2007.
2- Gurkeerat Singh, Textbook of Orthodontics, Second edition, 2007.
3- D. Roberts-Harry, Practice Orthodontics, British Dental Journal, vol 195, November 2003.
4- H. Travess, Practice Orthodontics, British Dental Journal, vol 196, January 2004.
5- Các website: simplestepdental, dentistryiq, dentocare.

benhvienthammy.com.vn