Phòng và diệt muỗi SXH: Những ngộ nhận cần tránh!

- Hiện nay, nhiều nơi ở TP.HCM xảy ra bệnh SXH nhưng người dân và nhân viên y tế không xác định được ổ lăng quăng muỗi vằn, dịch bệnh tái đi tái lại dù đã có phun thuốc dập dịch. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do ngộ nhận về nơi sinh sống của lăng quăng muỗi vằn, về cách phòng và tiêu diệt muỗi vằn - tác nhân làm lan truyền bệnh SXH. Dưới đây là những ngộ nhận cần tránh:

- Kênh rạch ô nhiễm có nhiều muỗi vằn gây SXH:

  • Lăng quăng muỗi vằn không sống ở nơi nước đục như kênh rạch nhưng có thể ẩn trong vật chứa đọng nước mưa trên mặt kênh rạch. Vì thế, nên dọn các vật chứa đọng nước trên bề mặt kênh rạch.

- Lu, thùng đã úp rồi thì không còn lăng quăng:

  • Lu, thùng, khạp úp lại nhưng vẫn còn khoảng lõm nhỏ có thể đọng nước mưa và muỗi tìm đến đẻ trứng. Vì thế, cần dùng cát, đất lấp đầy khoảng lõm..

- Nước trong lu, khạp được sử dụng mỗi ngày, làm gì có lăng quăng:

Lu, khạp không được đậy kín, dù chỉ có một lỗ nhỏ, muỗi cũng bay vào đẻ trứng. Vì thế, luôn đậy kín vật chứa nước bằng nắp kín hoặc vải mùng.

- Nhà cửa sạch sẽ , không có vật chứa nước, chắc không có lăng quăng:

  • Có thể còn vài vật chứa nước "vô tình" như ly, hộp cơm, nút chai bỏ không ở chỗ khuất (bồn kiểng, bụi cây), máng xối, ban công không thoát nước, tấm bạt che mái hiên...là nơi ẩn nấp của lăng quăng. Vì thế, cần tìm kỹ vật đọng nước khắp mọi nơi.

- Hồ nước có hòn non bộ đã có thả cá, chắc chắn không có lăng quăng:

  • Hòn non bộ có những khoảng lỏm, hang hốc ở lưng chừng, không có cá sinh sống, nhưng vẫn có nước đọng và vẫn có thể có lăng quăng. Vì thế, nên dùng cát, đá lấp các khoảng lõm ở hòn non bộ.

- Nhà toàn người lớn, chắc không có bệnh SXH:

  • Người lớn vẫn có thể mắc bệnh SXH, đặc biệt người có bệnh mạn tính thì khi mắc bệnh SXH sẽ nặng hơn. Vì thế, ai cũng cần phòng chống SXH.

- Người mắc bệnh SXH từ tỉnh khác tới, không có gì đáng lo vì khu vực mình đang sống không có bệnh:

  • Khi người bệnh SXH từ nơi khác đến, muỗi vằn tại chỗ tiếp tục chích người này và truyền bệnh cho người trong vùng. Vì thế, cần diệt lăng quăng và muỗi để tránh bệnh SXH lan rộng.

- Nhà nào có người bệnh SXH mới cần phun thuốc diệt muỗi:

  • Muỗi vằn có khả năng truyền bệnh trong bán kính 200m. Vì thế, theo quy định, cần phun thuốc diệt muỗi trong từng nhà trong bán kính 250m, để tránh muỗi vằn tiếp tục truyền bệnh SXH.

- Phun thuốc diệt muỗi thì không cần diệt lăng quăng:

  • Thuốc xịt muỗi chỉ diệt muỗi mà không diệt lăng quăng. Vì thế, phải diệt lăng quăng để tránh lăng quăng tiếp tục nở thành muỗi và truyền bệnh SXH.

TRÂN CHÂU